itba

Bắt đầu với nghề ITBA

Theo IIBA: Business Analyst là người kết nối giữa các bên liên quan để gợi ý, phân tích, giao tiếp và làm rõ các yêu cầu đối với các thay đổi đối với quy trình kinh doanh, chính sách và hệ thống thông tin

Nghề BA nói chung hay IT BA là một ngành nghề ngày càng phổ biến ở nước ta hiện nay. Trước đây BA chỉ thường ở các công ty làm việc tài chính, ngân hàng nhưng hiện nay thì phổ biến ở nhiều lĩnh vực. Mỗi BA thường sẽ đi sâu và làm việc chủ yếu với một domain nhất định, tuy nhiên cũng có những cách chung để tiếp cận với những domain khác nhau.

Mình xin chia sẻ những điều mà mình rút ra được trong quãng thời gian xin việc và làm IT BA trong vòng 3 năm.

Những kỹ năng cần thiết của một IT BA.

1. Kỹ năng giao tiếp: BA là người phải giao tiếp trực tiếp với khách hàng để lấy yêu cầu, trao đổi dev, test để đưa ra solution tốt nhất. Vì thế người làm BA phải là một người giao tiếp tốt. Họ có thể tổ chức điều hành thành công các buổi họp, biết cách đặt vấn đề, biết lắng nghe và tiếp nhận các ý kiến trong buổi họp. Ngày nay, việc giao tiếp không phải lúc nào cũng là gặp mặt trực tiếp. Vì vậy, kỹ năng giao tiếp tốt trong các buổi họp trực tuyến cũng rất quan trọng.

2. Kỹ năng sử dụng SQL: Đây là kỹ năng quan trọng của một IT BA. Vì họ là người hiểu rõ về các bảng và cách lấy dữ liệu từ các bảng trong database.

3. Kỹ năng phân tích, phản biện: BA có trách nhiệm đánh giá, lựa chọn giải pháp trước khi làm việc với các thành viên trong nhóm. Trong quá trình xác định các vấn đề cần giải quyết của dự án, BA phải thu thập yêu cầu của khách hàng nhưng đồng thời cũng phải phân tích những yêu cầu này một cách cẩn thận và chi tiết cho đến khi BA chắc chắn hiểu được những yêu cầu, mong muốn thực sự của khách hàng. Đây là lý do tại sao kỹ năng tư duy phản biện và kỹ năng phân tích, đánh giá là rất quan trọng với một người BA mới.

5. Kỹ năng mô hình hóa vấn đề bằng biểu đồ: Phần lớn dev đều lười mở tài liệu ra đọc vì thế khi làm việc họ mong muốn có những biểu đồ rõ ràng thì sẽ đưa đến họ hơn. Một bức hình đáng giá hơn cả ngàn chữ – Các mô hình sẽ giúp người đọc dễ dàng nắm bắt ý tưởng hơn. Một vài mô hình điển hình: Use cases diagram, sequence diagram, Workflow diagrams, wireframe prototypes…. Với mỗi kĩ năng phân tích, tương ứng sẽ có một loại mô hình mà BA cần phải tạo. Đặc biệt, người làm BA nên có kĩ năng mô hình hóa lại thông tin mọi lúc, mọi nơi dù là sử dụng các mô hình chuẩn hay chỉ đơn giản là một mô hình nguệch ngoạc trên giấy.

6. Kỹ năng làm tài liệu: Khi viết tài liệu thì yêu cầu đầu tiên là viết rõ ràng và chính xác và quan trọng hơn hết là viết cho người đọc hiểu chứ không phải cho mình hiểu! Nếu bạn là một BA mới vào nghề, bạn sẽ chưa biết cách tạo ra các tài liệu đặc tả mà người làm BA phải tạo. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể bắt đầu viết những tài liệu nếu như bạn có sẵn kĩ năng viết tốt.

Những vấn đề thường gặp khi bắt đầu đi xin việc

Đối với ngành BA thường các công ty tuyển dụng hay yêu cầu có kinh nghiệm làm việc 1 năm trở lên, tuy nhiên hiện nay cũng nhiều công ty tuyển Intern hoặc Fresher đây chính là cơ hội với người mới. Tuy nhiên, ở các công ty trong lĩnh vực IT thì mọi người hay chuyển từ dev hoặc test sang làm BA vì thế các bạn khi còn là sinh viên có thể xin thực tập dev, test ở công ty sau đó xin chuyển sang làm BA, đây cũng là một cách để tiếp cận dễ dàng hơn. Song như mình nói ở trên hiện nay thì có rất nhiều công ty tuyển Fresher hoặc Junior không yêu cầu kinh nghiệm vì thế bạn hoàn toàn có thể tự tìm hiểu và đi phỏng vấn.

  • Những câu hỏi thường được hỏi khi phỏng vấn
  1. Tại sao bạn lại mong muốn chuyển sang làm BA? Trước khi chuyển sang làm BA thì mình dev vì thế lần nào đi phỏng vấn cũng nhận được câu hỏi này. Vì bản thân mình sau một thời gian làm dev thì thấy không phù hợp với nhu cầu phát triển của bản thân, khi đi học thì mình cũng thích giao tiếp với mọi người nên khi đổi ngành mình đã chọn làm BA.
  2. Bạn hiểu BA là làm những công việc gì? Hầu hết trong trường học mọi người đều không được giới thiệu BA là gì, làm những công việc gì tuy nhiên trước khi chuyển sang công việc mới thì mọi người nên tham gia khóa học hoặc tìm hiểu thông tin trên mạng. Nội dung chi tiết BA sẽ làm những gì thì mình sẽ giới thiệu ở bài sau.
  3. Điểm mạnh, điểm yếu của bạn khi làm BA là gì? Với mình điểm mạnh của mình là mình đã từng làm dev nên có hiểu biết cơ bản về kiến trúc của dự án công nghệ thông tin và các kỹ năng cơ bản như mô hình hóa yêu cầu, sql. Điểm yếu của mình thì nhiều khi hay đưa vấn đề của dev khi nói chuyện với khách hàng.
  4. Một số câu hỏi liên quan đến SQL? Bạn nên nắm được một số câu lệnh SQL đơn giản như Select, Join, Group by.
  5. Một số tình huống đơn giản và đưa ra cách giải quyết vấn đề? Ví dụ: Nếu khách hàng đưa bạn yêu cầu mới mà bạn chưa từng biết đến thì bạn phải làm thế nào? 

Những công việc của một IT BA

  1. Nhận yêu cầu từ khách hàng hoặc quản lý cấp trên, đôi khi ở các công ty làm sản phẩm thì yêu cầu sẽ đi từ đội kinh doanh hoặc từ nhu cầu thị trường
  2. Phân tích, làm rõ yêu cầu. Đưa ra list function. 
  3. Làm các tài liệu liên quan: 
  • Tài liệu Architecture: Tài liệu mô tả luồng thao tác người dùng, luồng hoạt động của hệ thống, cấu trúc cơ bản của hệ thống, các thành phần trong hệ thống, tương tác giữa các thành phần trong hệ thống
  • Tài liệu SRS hay basic design: Tài liệu mô tả chi tiết các chức năng, giao diện của từng chức năng
  • Tài liệu test point: Các testcase cơ bản, đặc thù liên quan đến giao diện từ phía người dùng
  • Thiết kế mô tả database: Database hệ thống, mô tả chức năng của các bảng các trường đặc biệt.
  1. Transfer logic cho dev, test.
  2. Check lại hệ thống trước khi đi đến khách hàng
  3. Training, hướng dẫn khách hàng sử dụng hệ thống

Trên đây là khái quát các công việc của một IT BA dưới cái nhìn chủ quan của mình. Các bạn đọc có ý kiến khác vui lòng comment phía dưới. Xin cảm ơn.

7 bình luận trong “Bắt đầu với nghề ITBA”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.